Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền của doanh nghiệp
Cạnh tranh là thuộc tính bản chất của nền kinh tế thị trường. Trong một thị trường thiếu đi sự cạnh tranh hay bị hạn chế sự cạnh tranh sẽ làm giảm động lực phát triển của các chủ thể tham gia vào hoạt động kinh doanh tại thị trường đó. Theo thời gian , những tác động gây ra có thể dẫn tới nền kinh tế chậm phát triển , ảnh hưởng sâu rộng đến toàn xã hội . Chính vì vậy , pháp luật thế giới nói chung và pháp luật cạnh tranh Việt Nam nói riêng đã có những quy định cụ thể về việc cấm các hành vi hạn chế cạnh tranh trên thị trường , trong đó có bao gồm hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền. Nên để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. (Công ty Luật Thuận Đức/Luật Thuận Đức/Công ty Luật TNHH Thuận Đức).
1. Khái niệm về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh , vị trí độc quyền .
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật cạnh tranh năm 2018 định nghĩa hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường cụ thể như sau:
“5. Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh”.
Như vậy, có thể khái quát hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền là những hành vi do doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp có vị trí độc quyền thực hiện nhằm củng cố vị trí thống lĩnh, duy trì vị trí độc quyền bằng cách loại bỏ doanh nghiệp khác ra khỏi thị trường; ngăn cản, kìm hãm doanh nghiệp khác không cho gia nhập thị trường, phát triển kinh doanh hoặc nhằm thu lợi nhuận độc quyền bằng cách bóc lột khách hàng.
2. Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm
Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018 như sau:
- Doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện hành vi sau đây:
+ Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh;
+ Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
+ Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
+ Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
+ Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
+ Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
+ Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.
- Doanh nghiệp có vị trí độc quyền thực hiện hành vi sau đây:
+ Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
+ Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng;
+ Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
+ Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác;
+ Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác;
+ Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng;
+ Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng;
+ Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.
3. Hậu quả của hành vi lạm dụng sự thống lĩnh thị trường, vị trí độc quyền
Hậu quả của hành vi lạm dụng là làm sai lệch, cản trở hoặc giảm cạnh tranh trên thị trường liên quan. Là một trong những nhóm hành vi hạn chế cạnh tranh, doanh nghiệp thực hiện hành vi lạm dụng với mục đích duy trì, củng cố vị trí hiện có hoặc bóc lột khách hàng . Do hành vi vi phạm được liệt kê rất đa dạng và mỗi hành vi có đối tượng xâm hại khác nhau và mức độ gây thiệt hại có thể gây ra cũng không giống nhau, nên việc đưa ra tiêu chuẩn chung để làm căn cứ xác định hậu quả gây ra của mọi hành vi là không thể. Vì vậy, pháp luật của các nước đều buộc cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh hành vi lạm dụng đã, đang hoặc có thể sẽ gây hậu quả ngăn cản hay hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường.
4. Xác định vị trí thống lĩnh , vị trí độc quyền.
4.1. Xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp , nhóm doanh nghiệp .
Tại Điều 24 Luật Cạnh Tranh 2018 có quy định về doanh nghiệp , nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường :
- Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.
- Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018 hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;
+ Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;
+ Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;
+ Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.
- Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan.
4.2. Xác định vị trí độc quyền của doanh nghiệp :
Tại Điều 25 Luật Cạnh tranh 2018 quy định về doanh nghiệp có vị trí độc quyền:
- Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan.”
Do đó khi xác định vị trí độc quyền cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh chỉ cần xác định những nội dung sau:
- Xác định thị trường liên quan;
- Xác định số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Nếu kết luận đưa ra là chỉ có một doanh nghiệp duy nhất thì doanh nghiệp đó có vị trí độc quyền.
Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền của doanh nghiệp? (Công ty Luật Thuận Đức/Luật Thuận Đức/Công ty Luật TNHH Thuận Đức).
Công ty Luật Thuận Đức – Luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn trong mọi vấn đề pháp lý!
-------------------------
Văn phòng làm việc: Số 6 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Hotline: 0966.846.783
Email: congtyluatthuanduc@gmail.com
Website: http://luatthuanduc.vn
Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100094722411349