Thủ tục đăng ký tạm trú khi đi thuê nhà như thế nào?
Tác giảLuật Thuận Đức
Lượt xem: 283

1, Đăng ký tạm trú là gì?

Đăng ký tạm trú là một thủ tục bắt buộc phải làm khi công dân chuyển đến nơi khác sinh sống trong một thời gian nhất định ngoài nơi đăng ký thường trú. Đăng ký tạm trú giúp công dân được cấp giấy tờ, tài liệu chứng minh nơi cư trú hợp pháp và được bảo vệ quyền lợi theo quy định của pháp luật.

Việc công dân thực hiện đăng ký hoặc khai báo tạm trú đầy đủ sẽ giúp bảo vệ người dân, đảm bảo tình hình an ninh trật tự khu vực và an toàn xã hội, thuận tiện cho cơ quan chức năng trong việc quản lý dân cư và dữ liệu công dân.

2, Khi đi thuê nhà thì chủ nhà hay người thuê nhà phải đi đăng ký tạm trú?

- Đối với công dân Việt Nam:

Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.

Như vậy khi đi thuê nhà, người thuê nhà có nghĩa vụ khai báo và đăng ký tạm trú theo quy định nêu trên.

- Đối với người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam

Theo quy định tại Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 thì người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.

Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.

Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài. Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú thì phải khai báo tạm trú theo quy định nêu trên.

3, Nếu không đăng ký tạm trú thì bị xử lý như thế nào?

Trường hợp không đăng ký tạm trú theo quy định sẽ bị phạt tiền theo quy định tại Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt cụ thể như sau:

- Người không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú có thể bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Đồng nghĩa, nếu người đi thuê nhà không thực hiện nghĩa vụ đăng ký tạm trú của mình thì có thể sẽ bị phạt hành chính với mức phạt từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng.

  • Với trường hợp cho người nước ngoài thuê nhà, nếu người cho thuê không khai báo tạm trú cho khách thuê là người nước ngoài thì sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng.

Thủ tục đăng ký tạm trú khi đi thuê nhà như thế nào?

Công ty Luật Thuận Đức - Tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, dịch vụ pháp lý khác. Liên hệ hotline: 0966.846.783

4, Thủ tục đăng ký tạm trú

* Đối với trường hợp đăng ký tạm trú cho công dân Việt Nam

Theo quy định tại Điều 28 Luật Cư trú 2020, hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

Đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Ngoài ra, khoản 1, Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp như sau:

“1. Công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau:

a) Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);

b) Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong);

c) Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

d) Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;

đ) Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

e) Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;

g) Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;

h) Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;

i) Giấy tờ chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm;

k) Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan, tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;

l) Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).”

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người đăng ký tạm trú nộp hồ sơ đăng ký tạm trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình dự kiến tạm trú.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi tạm trú mới, thời hạn tạm trú của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

* Đối với trường hợp đăng ký tạm trú cho người nước ngoài

Có 02 hình thức khai báo tạm trú cho người nước ngoài:

- Khai báo qua mạng tại website của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh công an tỉnh nơi đặt cơ sở lưu trú:

Người khai báo tạm trú truy cập Trang thông tin điện tử của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt cơ sở lưu trú, đăng nhập tài khoản khai báo để thực hiện việc khai báo thông tin tạm trú. Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua Trang thông tin điện tử phải thực hiện ngay khi người nước ngoài đến đăng ký tạm trú.

Thông tin khai báo tạm trú gồm: Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu, thời gian dự kiến tạm trú của người nước ngoài. Có thể nhập theo từng trường hợp vào các ô nhập dữ liệu hoặc chuyển tập tin nhập đính kèm theo tập tin mẫu được đăng tải trên Trang thông tin điện tử.

Người khai báo tạm trú kiểm tra, sửa đổi, bổ sung các thông tin trước khi xác nhận lưu thông tin; kiểm tra mục quản lý thông tin khai báo tạm trú để xác định hệ thống đã tiếp nhận, nếu hệ thống chưa tiếp nhận thì thực hiện nhập lại thông tin.

- Khai báo trực tiếp tại Công an xã, phường, thị trấn nơi có cơ sở lưu trú:

Người khai báo tạm trú liên hệ trực ban Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an (Công an cấp xã) để được cung cấp mẫu Phiếu khai báo tạm trú theo mẫu NA17 ban hành kèm theo Thông tư 04/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 của Bộ Công an.

Người khai báo tạm trú ghi thông tin vào Phiếu khai báo tạm trú và chuyển trực tiếp Phiếu khai báo tạm trú cho trực ban Công an cấp xã nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến đăng ký tạm trú.

Phiếu khai báo tạm trú có thể gửi trước qua fax hoặc thông báo thông tin qua điện thoại đến trực ban Công an cấp xã trước khi chuyển Phiếu khai báo tạm trú theo thời hạn nêu trên.

Công ty Luật Thuận Đức – Luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn trong mọi vấn đề pháp lý!

-------------------------

Văn phòng làm việc: Số 6 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Hotline: 0966.846.783

Email: congtyluatthuanduc@gmail.com

Website: http://luatthuanduc.vn

Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100094722411349

 

Đặt lịch tư vấn

Gửi yêu cầu
0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Bài viết liên quan