Bị hại yêu cầu không trưng cầu giám định thương tích thì có tiếp tục giám định không?
Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định như sau:
“Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định
Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
3. Nguyên nhân chết người;
4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động;
5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
6. Mức độ ô nhiễm môi trường.”
Theo đó, về nguyên tắc thì việc trưng cầu giám định thương tích vẫn bắt buộc phải thực hiện cho dù bị hại yêu cầu không trưng cầu giám định thương tích.
Khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
“Áp giải, dẫn giải
1. Áp giải có thể áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội.
2. Dẫn giải có thể áp dụng đối với:
a) Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
b) Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
c) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan…”
Theo đó, bị hại từ chối việc trưng cầu giám định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan sẽ bị áp dụng hình thức dẫn giải.
Lưu ý:
- Quyết định dẫn giải phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị dẫn giải; thời gian, địa điểm người bị áp giải, dẫn giải phải có mặt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015
- Người thi hành quyết định dẫn giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc dẫn giải theo quy định tại Điều 133 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015
- Cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định dẫn giải.
- Không được bắt đầu việc dẫn giải người vào ban đêm; không được dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.
Điều 205 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
“Trưng cầu giám định
1. Khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 206 của Bộ luật này hoặc khi xét thấy cần thiết thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định.
2. Quyết định trưng cầu giám định có các nội dung:
a) Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định;
b) Tên tổ chức; họ tên người được trưng cầu giám định;
c) Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định;
d) Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);
đ) Nội dung yêu cầu giám định;
e) Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định.
3. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan trưng cầu giám định phải giao hoặc gửi quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; gửi quyết định trưng cầu giám định cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.”
Theo đó, quyết định trưng cầu giám định sẽ bao gồm những nội dung sau:
- Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định
- Tên tổ chức; họ tên người được trưng cầu giám định
- Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định
- Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có)
- Nội dung yêu cầu giám định
- Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định
Lưu ý: Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan trưng cầu giám định phải giao hoặc gửi quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; gửi quyết định trưng cầu giám định cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
Công ty Luật Thuận Đức – Luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn trong mọi vấn đề pháp lý!
-------------------------
Văn phòng làm việc: Số 6 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Hotline: 0966.846.783
Email: congtyluatthuanduc@gmail.com
Website: http://luatthuanduc.vn
Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100094722411349