Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều vụ lắp camera quay lén người khác trong phòng tắm, phòng thay đồ… khiến mọi người hoang mang. Vậy hành vi đó bị xử lý thế nào? Nạn nhân phải làm gì để phát hiện camera lắp trộm?
Lắp camera quay lén người khác có thể hiểu là hành vi sử dụng thiết bị là camera để ghi hình và lưu giữ hình ảnh của người khác mà không được người đó cho phép. Việc lắp camera để quay lén các hình ảnh nhạy cảm, riêng tư của người khác có thể khiến nạn nhân hoảng sợ, hoang mang thậm chí tự tử… Do đó, lắp camera quay lén người khác là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Điểm a khoản 1 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân như sau:
“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;...”
Như vậy, người có hành vi lắp camera quay lén người khác có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Tùy vào hành vi, mức độ cũng như mục đích của việc lắp camera quay lén người khác, người vi phạm có thể đối mặt với việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
- Người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù.
- Người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy tại Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 nếu quay lén người khác nhằm phổ biến hình ảnh, video quay lén có nội dung nhạy cảm.
Khi hình ảnh của mình bị xâm phạm, người bị hại có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại bởi cá nhân có quyền với hình ảnh của mình. Đồng thời, nhân phẩm, danh dự của cá nhân cũng được pháp luật bảo vệ (theo Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Do đó, khi có người thực hiện hành vi quay lén người khác, người bị hại có quyền yêu cầu người thực hiện hành vi xâm phạm uy tín, danh dự… của người khác phải công khai xin lỗi, cải chính và bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận. Ngoài ra, người bị thiệt hại còn có thể đòi bồi thường tổn thất tinh thần với mức do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì phải bồi thường tối đa là không quá 10 lần mức lương cơ sở.
Trước hết, phải quan sát kỹ môi trường xung quanh. Thông thường, các chỗ giấu camera là trên thiết bị báo động khói, lọc không khí, hộp khăn giấy, nội thất trang trí, gấu nhồi bông, móc quần áo, ổ cắm điện, tivi, đồng hồ treo tường, chậu hoa, đèn bàn, rèm cửa…
Ngoài ra, khi vào phòng, có thể tắt hết đèn trong phòng đảm bảo phòng càng tối càng tốt. Khi đó, bằng mắt thường có thể phát hiện camera nhìn trộm bởi camera sẽ có ánh đèn led sáng nhấp nháy.
Ngoài việc quan sát đèn, khi phòng tối, có thể phát hiện ra camera giấu kín bằng cách bật đèn flash điện thoại, chiếu vào các vị trí nghi ngờ, hoặc bật camera của điện thoại. Nếu có điểm sáng màu đỏ hoặc xanh lá thì có thể đã có camera lắp lén…
Công ty Luật Thuận Đức – Luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn trong mọi vấn đề pháp lý!
-------------------------
Văn phòng làm việc: Số 6 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Hotline: 0966.846.783
Email: congtyluatthuanduc@gmail.com
Website: http://luatthuanduc.vn
Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100094722411349