Body shaming người khác có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?
Hiện nay, thuật ngữ body shaming đã không còn xa lạ, đặc biệt là đối với giới trẻ. Body shaming là một thuật ngữ tiếng Anh được dịch sang tiếng Việt là "miệt thị ngoại hình". Đây là hành động chê bai, nhạo báng hoặc chế giễu ngoại hình của một người khác. Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội ngày nay càng khiến cho việc body shaming người khác trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Body shaming có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như:
+ Sử dụng ngôn ngữ: Chê bai, mắng mỏ, xúc phạm ngoại hình của người khác.
+ Cử chỉ: Làm những hành động chế giễu, trêu chọc ngoại hình của người khác.
+ Hình ảnh: Chia sẻ những hình ảnh chế giễu, châm biếm ngoại hình của người khác.
Hành vi body shaming có thể nhắm đến bất kỳ ai, bất kể giới tính, độ tuổi, sắc tộc hay hoàn cảnh. Tuy nhiên, những người bị body shaming thường là những người có ngoại hình khác biệt với chuẩn mực xã hội, chẳng hạn như những người béo, gầy, thấp, cao, có khuyết điểm trên cơ thể,...
Ngoài ra, còn có dạng body shaming bản thân. Body shaming bản thân có thể được hiểu là một dạng tự ti, mặc cảm về ngoại hình của bản thân. Đây là hành vi tự chê bai, tự giễu cợt hoặc tự chế giễu ngoại hình của mình.
Body shaming có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân, chẳng hạn như:
+ Tự ti, mặc cảm: Body shaming khiến nạn nhân cảm thấy xấu hổ, tự ti về ngoại hình của mình. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo âu, rối loạn ăn uống,...
+ Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý: Body shaming có thể khiến nạn nhân có xu hướng lạm dụng các biện pháp giảm cân không an toàn, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như béo phì, suy dinh dưỡng,...
+ Hạn chế cơ hội phát triển: Body shaming khiến nạn nhân trở nên khép kín, ngại giao tiếp, dẫn đến hạn chế cơ hội phát triển trong học tập, công việc và cuộc sống.
Body shaming là một hành vi phi đạo đức và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân. Do đó, mỗi người cần nâng cao ý thức, tôn trọng ngoại hình của người khác và không tham gia vào các hành vi body shaming.
Đối với hành vi Body shaming người khác trực tiếp, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm a, khoản 3, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể:
“ ...3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;...”
Tuy nhiên, khác với hành vi trực tiếp, đối với việc Body shaming người khác trên mạng xã hội thì người bị xúc phạm rất có thể sẽ là nạn nhân của bạo lực mạng, và bị ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm một cách nghiêm trọng. Vì vậy, theo điểm a, khoản 3, Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về trang thông tin điện tử với nội dung như sau:
“...3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;...”
Như vậy, đối với hành vi Body shaming người khác trên mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo,...), người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu việc Body shaming trên mạng xã hội gây xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Trong trường hợp chế nhạo, chê bai ngoại hình người khác gây xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của cá nhân mà mức độ vi phạm đủ để cấu thành tội làm nhục người khác, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo đó, người phạm tội làm nhục người khác trên mạng xã hội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tù từ 03 tháng đến 2 năm tù giam, do thuộc trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.
Ngoài ra, theo khoản 4, Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Công ty Luật Thuận Đức – Luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn trong mọi vấn đề pháp lý!
-------------------------
Văn phòng làm việc: Số 6 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Hotline: 0966.846.783
Email: congtyluatthuanduc@gmail.com
Website: http://luatthuanduc.vn
Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100094722411349