Có được hoãn phiên tòa khi bị cáo bị đau ốm không?
Khoản 1 Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm như sau:
“Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.”
Như vậy, trong trường hợp bị cáo bị đau ốm mà người có thẩm quyền hoãn phiên tòa xét thấy thuộc lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì sẽ hoãn phiên tòa.
Ngược lại, trường hợp bị cáo bị đau ốm nhưng không được xem là lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì bị cáo sẽ được áp giải đến phiên tòa.
Khoản 4 Điều 297 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về hoãn phiên tòa sơ thẩm như sau:
“4. Quyết định hoãn phiên tòa phải được chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký tên. Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa.
Quyết định hoãn phiên tòa phải được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa; gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người vắng mặt tại phiên tòa trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định.”
Như vậy, thẩm quyền ra quyết định hoãn phiên tòa thuộc về chủ tọa phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ký quyết định hoãn phiên tòa.
Trường hợp chủ tọa phiên tòa vắng mặt hoặc bị thay đổi thì Chánh án Tòa án ra quyết định hoãn phiên tòa.
Khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm như sau:
“2. Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:
a) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
b) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
c) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
d) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.”
Như vậy, Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong 04 trường hợp sau:
(1) Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
(2) Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
(3) Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
(4) Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
Khoản 2 Điều 297 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về thời hạn hoãn phiên tòa như sau:
“Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa.”
Như vậy, thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm tối đa là 30 ngày kể từ ngày ra quyết định hoãn.
Đồng thời, khoản 1 Điều 297 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về hoãn phiên tòa sơ thẩm như sau:
“1. Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật này;
b) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa;
c) Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại;
d) Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản.
Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu…”
Như vậy, trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.
Công ty Luật Thuận Đức – Luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn trong mọi vấn đề pháp lý!
-------------------------
Văn phòng làm việc: Số 6 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Hotline: 0966.846.783
Email: congtyluatthuanduc@gmail.com
Website: http://luatthuanduc.vn
Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100094722411349