Khung hình phạt cao nhất dành cho người dưới 18 tuổi phạm tội?
tac_giaLuật Thuận Đức
Lượt xem: 35

1. Khung hình phạt cao nhất dành cho người dưới 18 tuổi phạm tội?

Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tù có thời hạn như sau:

“Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:

1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;

2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.”

Như vậy, khung hình phạt cao nhất dành cho người dưới 18 tuổi phạm tội phải dựa theo độ tuổi, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, bao gồm:

- Với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, mức phạt cao nhất:

+ Không quá 18 năm tù nếu phạm vào điều luật có quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình.

+ Không quá 0.75% mức phạt tù mà điều luật áp dụng quy định tù có thời hạn

- Với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, mức phạt cao nhất:

+ Không quá 12 năm tù nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt chung thân hoặc tử hình

+ Không quá 0.5% mức phạt tù mà điều luật áp dụng quy định tù có thời hạn

Do đó, căn cứ quy định của pháp luật thì khung hình phạt cao nhất được áp dụng cho người dưới 18 tuổi phạm tội là không quá 18 năm tù.

Tuy nhiên, khi một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội và có hành vi thực hiện trước, có hành vi thực hiện sau 18 tuổi thì sẽ được quy định như sau:

+ Nếu hình phạt của hành vi phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi nặng hơn thì không quá 18 năm tù

+ Nếu hình phạt của hành vi phạm tội sau 18 tuổi nặng hơn thì áp dụng khung hình phạt của tội sau 18 tuổi gây ra.

Trong trường hợp này, nếu một người thực hiện có hành vi phạm tội trước và sau khi đủ 18 tuổi, khung hình phạt áp dụng cho tội sau 18 tuổi gây ra là tử hình thì người này sẽ bị áp dụng khung hình phạt là tử hình.

Khung hình phạt cao nhất dành cho người dưới 18 tuổi phạm tội?

2. Điều kiện cho người dưới 18 tuổi phạm tội có thể hưởng án treo?

Căn cứ tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 về án treo thì điều kiện cho người dưới 18 tuổi phạm tội vẫn có thể hưởng án treo, bao gồm:

Nghị quyết quy định cụ thể về các điều kiện được hưởng án treo như sau:

- Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

- Có nhân thân tốt (ngoài phạm tội lần này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật).

- Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 và không có tình tiết tăng nặng. Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.

- Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

- Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo, cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Nguyên tắc bố trí phòng xét xử trong các vụ án dành cho người dưới 18 tuổi phạm tội như thế nào?

Thẩm quyền xét xử vụ án có người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc về Tòa gia đình và người chưa thành niên. Theo đó, yêu cầu đối với phiên tòa xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội gồm:

- Phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi theo đúng quy định tại Điều 3 Thông tư 01/2017/TT-TANDTC quy định về nguyên tắc bố trí phòng xử án như sau:

“1. Phòng xử án phải được bố trí trang nghiêm, bảo đảm an ninh, trật tự phiên tòa.

2. Việc bố trí phòng xử án phải thể hiện vị trí, vai trò trung tâm của Hội đồng xét xử; bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo, quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

3. Việc bố trí phòng xử án phải phù hợp với yêu cầu xét xử từng loại vụ án, vụ việc nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử của Tòa án.

4. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.”

Như vậy, nguyên tắc bố trí phòng xét xử trong các vụ án dành cho người dưới 18 tuổi phạm tội như sau:

- Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng

- Không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi

- Nếu có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải đọc phần quyết định trong bản án.

Ngoài ra, tại Điều 414 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định tại phiên tòa xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội phải có mặt người đại diện của họ, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi người này học tập, sinh hoạt.

Công ty Luật Thuận Đức – Luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn trong mọi vấn đề pháp lý!

-------------------------

Văn phòng làm việc: Số 6 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Hotline: 0966.846.783

Email: congtyluatthuanduc@gmail.com

Website: http://luatthuanduc.vn

Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100094722411349

Đặt lịch tư vấn

Gửi yêu cầu
0 / 5 (0binh_chon)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Bài viết liên quan