Kết hôn cận huyết bị xử phạt như thế nào?
Thế nào là kết hôn cận huyết?
Kết hôn cận huyết được hiểu là hôn nhân giữa nam và nữ trong cùng họ hàng thân thiết chưa quá ba thế hệ. Đó là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người cùng huyết thống trực hệ với nhau, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.
Theo khoản 18 điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích “Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.”
Những người kết hôn cận huyết sẽ tạo điều kiện cho sự hình thành một số loại bệnh lý di truyền bởi gen lặn trên nhiễm sắc thể phát triển và bộc lộ ở thế hệ sau.
Những bệnh lý có thể xảy ra ở thế hệ sau của một cuộc hôn nhân cận huyết gồm:
- Sớm bị khiếm thính và suy giảm thị lực.
- Dị tật bẩm sinh vì rối loạn di truyền.
- Khuyết tật hoặc chậm phát triển về mặt trí tuệ.
- Chậm hoặc không thể phát triển thể chất.
- Động kinh.
- Bị các bệnh lý rối loạn máu.
Cứ như thế, những bệnh lý này di truyền đến các thế hệ sau và kết quả là dần dần nòi giống sẽ bị suy thoái. Ngoài ra, hôn nhân cận huyết còn có thể dẫn đến tình trạng thai lưu, sảy thai,...
Chính vì những hệ lụy để lại rất lớn từ việc kết hôn cận huyết mà tại điểm d khoản 2 điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
2. Xử phạt hành chính kết hôn cận huyết bao nhiêu tiền?
Theo khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:
Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
....
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
Theo Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức:
- Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
- Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
Theo đó, cá nhân có hành vi kết hôn cận huyết sẽ bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Theo Điều 184 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội loạn luân như sau:
Tội loạn luân
Người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Việc kết hôn cận huyết sẽ dẫn đến hành vi loạn luân, do đó, đối với kết hôn cận huyết có thể truy cứu trách nhiệm hình sự và chịu hình phạt từ 01 đến 05 năm tù giam
Công ty Luật Thuận Đức – Luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn trong mọi vấn đề pháp lý!
-------------------------
Văn phòng làm việc: Số 6 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Hotline: 0966.846.783
Email: congtyluatthuanduc@gmail.com
Website: http://luatthuanduc.vn
Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100094722411349