Người Việt Nam có được mua lại nhà của người nước ngoài không?
Căn cứ Điều 7 Luật Nhà ở 2014, đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam có bao gồm các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Cụ thể tại khoản 2 Điều này có quy định các tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua 2 hình thức sau:
- Hình thức 1: Đầu tư xây dựng nhà ở theo các dự án tại Việt Nam
- Hình thức 2: Mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở thương mại, gồm căn hộ chung cư & nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở (trừ các khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ)
Ngoài ra lưu ý người nước ngoài muốn được sở hữu nhà tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 160 Luật Nhà ở 2014 như sau:
- Đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời có nhà ở được xây dựng trong dự án;
- Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh, quỹ đầu tư của nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam cấp.
- Đối với cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì phải không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và lãnh sự theo quy định hiện hành.
Căn cứ quy định tại Luật Nhà ở 2014 và các văn bản pháp luật khác có liên quan, có thể thấy không có quy định cấm người Việt Nam mua lại nhà của người nước ngoài.
Hiện nay, căn cứ tại khoản 2 Điều 8 Luật Nhà ở 2014 có quy định tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước có thể được công nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua hình thức mua nhà ở.
Ngoài ra, tại các quy định khác của Luật Nhà ở 2014 và văn bản pháp luật có liên quan không có quy định cấm người Việt Nam mua lại nhà của người nước ngoài.
Theo đó, nguời Việt Nam hoàn toàn được quyền mua lại nhà của người nước ngoài nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật.
Nguời Việt Nam được quyền mua lại nhà của người nước ngoài. Tuy nhiên để giao dịch này và hợp pháp các bên cần phải chú ý đáp ứng các điều kiện như sau:
Căn cứ quy định tại Điều 118 Luật Nhà ở 2014, nhà ở được nguời Việt Nam mua lại nhà của người nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Nhà ở đã được cấp Giấy chứng nhận, trừ trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại đã được xây dựng trong các dự án.
- Nhà ở này không thuộc diện đang có tranh chấp/khiếu nại/khiếu kiện về quyền sở hữu và phải đang trong thời hạn sở hữu (đối với trường hợp sở hữu nhà ở có quy định thời hạn);
- Nhà ở này không bị kê biên để thi hành án, đồng thời không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực;
- Nhà ở này không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, hoặc có thông báo giải tỏa/phá dỡ của cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 119 Luật Nhà ở 2014, đối với bên bán (người nước ngoài) phải có điều kiện sau:
- Người này phải là chủ sở hữu nhà ở/người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền thực hiện giao dịch; nếu là hình thức chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì nguời này phải là người đã mua nhà ở từ chủ đầu tư hoặc đã nhận chuyển nhượng từ hợp đồng mua bán nhà ở.
- Người này phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch (phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên; đồng thời không phải là người mất năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hay bị hạn chế năng lực hành vi dân sự).
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 119 Luật Nhà ở 2014, đối với bên mua phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Trường hợp người này là cá nhân trong nước thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (không bắt buộc phải đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở)
- Trường hợp người này là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, đồng thời phải thuộc nhóm đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam (không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú, thường trú tại nơi có nhà ở).
Công ty Luật Thuận Đức – Luôn sẵn lòng hỗ trợ bạn trong mọi vấn đề pháp lý!
-------------------------
Văn phòng làm việc: Số 6 Kim Đồng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Hotline: 0966.846.783
Email: congtyluatthuanduc@gmail.com
Website: http://luatthuanduc.vn
Facebook: https://www.facebook.com/profile.php?id=100094722411349